Thực tiễn cho thấy, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là xu hướng tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Muốn đảm bảo mối liên kết này, theo các chuyên gia, cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và sản xuất những cái thị trường cần.
Hiệu quả thấy rõ
Xã Vân Hội (Tam Dương - Vĩnh Phúc) vốn có truyền thống trồng rau vụ đông, nhưng từ trước đến nay, nông dân vẫn làm theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy trồng nên thị trường tiêu thụ bấp bênh. Để đảm bảo gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, ngày 24/1/2017, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Vân Hội Xanh được thành lập với 27 thành viên, quy mô 5ha, chủ yếu sản xuất các loại rau: su hào, bắp cải, cải ăn lá,...
Bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc HTX, cho biết, ngay sau khi thành lập, HTX đã bắt tay vào hướng dẫn các thành viên áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo hợp đồng với khách hàng; xây dựng kho chứa vật tư nông nghiệp; quản lý, kiểm soát đầu vào và chất lượng đầu ra, cắm biển nhận biết từng ô, thửa, hướng dẫn các thành viên ghi chép sổ sách theo quy trình VietGAP.
Nhờ chất lượng được đảm bảo nên đến nay, HTX đã mở được 3 cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm ở TP.Vĩnh Yên với số lượng 70-100kg/ngày/cửa hàng; liên kết với Công ty Ever Green để cung cấp cho thị trường Hà Nội; cung cấp cho các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, trường học,... trên địa bàn tỉnh. Hiện, HTX đang hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý: Rau an toàn Vân Hội Xanh.
“So với làm ăn nhỏ lẻ, việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan. Hiện, mỗi năm HTX sản xuất từ 7-9 lứa rau, bình quân thu nhập 500-600 triệu đồng/ha; sản phẩm của các thành viên cung cấp cho HTX giá cao hơn thị trường từ 5-7%, giá rau của HTX bán ra thị trường cao hơn các sản phẩm cùng loại từ 10-15%. Xã viên không phải nơm nớp lo việc tiêu thụ sản phẩm, chỉ chuyên tâm vào sản xuất theo đúng quy trình”, bà Liên nói.
Là một trong hai chuỗi sản xuất – cung ứng thịt lợn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH MTV Phát Đạt đã xây dựng được hệ thống trang trại khép kín, phân khu riêng biệt trên diện tích 15.000m2 với 4 dãy chuồng nuôi chứa 1.200 con lợn các loại. Hiện, mỗi tháng trang trại xuất trên 400 con lợn thịt với trọng lượng 30 tấn, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, công ty đã mở 2 cửa hàng bán thịt lợn an toàn trên địa bàn TP.Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành 9 chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn, 2 chuỗi liên kết sản xuất thịt lợn và 1 chuỗi liên kết sản xuất thịt gà. Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã làm thay đổi cơ bản từ nhận thức đến hành động của người sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; nâng cao trình độ, nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất, từ đó đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của nhân dân; giải quyết việc làm ổn định cho người lao động...
TP.Hà Nội cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm. Riêng trong năm 2016, thành phố đã kết nối với gần 50 tỉnh, thành phố trên cả nước và có trên 350 hợp đồng, biên bản thỏa thuận, ghi nhớ hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện, trên địa bàn thành phố có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đã có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, như: Chuỗi liên kết của HTX Hương Ngải (Thạch Thất), mô hình liên kết của HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm)...
Liên kết vẫn lỏng lẻo
Chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề: Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Vĩnh Phúc, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, những năm qua, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vẫn lỏng lẻo, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều. Tình trạng “phá kèo” trong các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, “được mùa, mất giá” vẫn là nỗi lo đối với người sản xuất. Các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, thiếu vốn để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Phát triển thị trường nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đánh giá, đến nay, đã xuất hiện một số mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, như mô hình liên kết cung ứng trong sản xuất cá tra, liên kết cung ứng trong sản xuất lúa gạo xuất khẩu, liên kết doanh nghiệp - nông dân trong sản xuất nguyên liệu chè, liên kết sản xuất cà phê,... Điển hình như mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn ở An Giang, đến nay đã hình thành 9 vùng nguyên liệu với 684 hộ nông dân tham gia, quy mô 1.600ha, mức thu nhập của nông dân tham gia mô hình khá cao, từ 22 - 33 triệu đồng/ha/vụ.
Tuy nhiên, ông Dũng nêu một thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo ra được sản phẩm mang tính hàng hóa khiến cho việc thực hiện liên kết rất khó khăn. Do sản xuất nhỏ lẻ nên việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào ít khả thi. Doanh nghiệp chế biến hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký hợp đồng liên kết với hàng chục hộ nông dân với quy mô sản xuất, trình độ canh tác khác nhau.
“Trong các mô hình liên kết chuỗi cung ứng nông sản hiện đang triển khai, vai trò của người thu gom nguyên liệu rất ít được quan tâm và coi trọng. Vai trò của ngân hàng trong việc cung cấp vốn cho các bên thực hiện liên kết, vai trò của nhà khoa học trong việc cung cấp các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, cho chế biến,... thực sự mờ nhạt khiến cho việc nhân rộng mô hình khó khăn. Đến nay, vẫn chưa có hệ thống chính sách đầy đủ và đồng bộ để thực hiện các chuỗi liên kết cung ứng nông sản và nhất là thiếu một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích giữa doanh nghiệp với người sản xuất”, ông Dũng nói.
Từ thực tế sản xuất tại địa phương, bà Dương Thị Quỳnh Liên cho biết, vốn và đất đai còn hạn chế là một trong những khó khăn của HTX khi xây dựng chuỗi liên kết. Cho đến nay, HTX vẫn rất khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến. Đó là chưa kể, người dân vẫn sản xuất theo thói quen, làm theo phong trào, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng quy trình VietGAP.
Đồng quan điểm, ông Hà Hoàng Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Dũng Đạt, cho rằng, đất đai và vốn đang là “điểm nghẽn” rất lớn, cản trở quá trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. “Vốn là yếu tố quyết định đến thành công của dự án nhưng rất tiếc doanh nghiệp chúng tôi phải dùng tài sản cá nhân để thế chấp vay vốn ngân hàng. Chính vì vậy, chúng tôi chọn ớt là cây trồng chủ lực, vì đây là loại cây có thị trường rộng mở, quay vòng vốn nhanh để sản xuất. Để giải quyết khó khăn về đất đai, chúng tôi liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trồng 150ha ớt nguyên liệu”, ông Trọng cho biết.
Phải hài hòa lợi ích
Để xây dựng mối liên kết bền vững, ông Dũng cho rằng, cần hài hòa được lợi ích của tất cả các bên liên quan. “Đây là vấn đề mấu chốt để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của các bên trong chuỗi để nông dân cũng như doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm có thể tự nguyện thực hiện các hợp đồng đã ký. Cuối cùng và quan trọng nhất là cần nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc định hướng xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết cung ứng nông sản. Trước mắt, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của doanh nghiệp với người sản xuất, từ đó xây dựng hệ thống chính sách đầy đủ, đồng bộ và khả thi, bao gồm các vấn đề về đất đai, quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng,...”, ông Dũng nói.
Theo ông Trọng, để đảm bảo chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản bền vững, phải sản xuất cái thị trường cần. Từ định hướng trên, công ty của ông Trọng chọn ớt là cây trồng chủ lực từ năm 2008 vì thị trường xuất khẩu rộng mở, thời gian quay vòng nhanh; bên cạnh đó là các loại cây trồng như ngô ngọt, dưa chuột bao tử,...
Phát biểu kết luận Diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh, để xây dựng và phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất, ngành chức năng và các địa phương cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ; tạo cơ chế mở về vốn, đất đai nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; lực lượng khuyến nông với thế mạnh về xây dựng các mô hình trình diễn hiệu quả, phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; liên kết trong các tổ, nhóm để nâng cao hiệu quả canh tác; triển khai các mô hình sản xuất mới có sự gắn kết với doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo tính bền vững và có thể nhân rộng.